Phụ Lục: Thẩm Vấn Thiền Sinh – Phần III – Minh Sát Tu Tập – Vipassanā Bhāvanā

Vipassanā Bhāvanā – Mind Development through Insight

Minh Sát Tu Tập

English: Achaan Naeb Mahaniranonda- Boonkanjanaram Meditation Cente

Việt ngữ: Tỳ kheo Pháp Thông, Tỳ Kheo Thiện Minh

Compile: Lotus group

 

NỘI DUNG:

 

A: Achaan Naeb; T: Thiền sinh.

 

****    ****    ****

 

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

 

A: – Kể từ buổi nói chuyện vừa rồi, pháp hành của sư tiến triển ra sao?

 

T: – Trong hai ba ngày liên tiếp tôi bị sốt và đau bao tử. Vì thế, việc thực hành của tôi không được liên tục.

 

A: – Sư có được khổ thọ nhiều hơn, nào là sốt, nào là đau bao tử… Đau bao tử có phải là pháp hay không?

 

T: – Đó là khổ thọ.

 

A: – Sư đã biết cái gì là pháp, nhưng sư lại không có tác ý chân chánh để cho sư biết sắc là khổ, vì thế mà sư không thấy pháp. Pháp lúc nào cũng hiện khởi, pháp lúc nào cũng đang hiển bày đặc tính vô ngã, không kiểm soát được, bởi vì nó không phải là “Ta”. Nếu nó là “Ta”, chúng ta có thể kiểm soát và không phải bệnh hoạn. Có năm uẩn là phải có bệnh hoạn, nhưng nếu sư có tác ý đúng sư sẽ hiểu rằng mọi người ai cũng có thể mắc bệnh cả, ngay cả Đức Phật. Đức Phật đã tỏ ngộ pháp, chính là thấy ra năm uẩn phải chịu sanh, già, bệnh, chết, và từ điều này đã cho Ngài trí tuệ thấy Khổ, nhờ vậy, Ngài có thể đoạn tận nó.

 

(Sư thứ hai)

 

A: – Còn pháp hành của sư thì sao?

 

T: – Pháp hành của tôi đã khá hơn.

 

A: – Sư nói việc thực hành đã khá hơn, vậy sư có sợ bị vuột khỏi sát-na hiện tại không?

 

T: – Tôi không muốn bị mất sát-na hiện tại.

 

A: – Điều đó không đúng. Sợ bỏ mất sát-na hiện tại là không đúng. Cũng như muốn thấy danh và sắc hơn là không đúng. Sư phải làm sao có thái độ giống như người đang xem một vở kịch vậy — đừng cố gắng đạo diễn nó. Nếu như sư sợ buông khỏi sát-na hiện tại, phiền não là tự ngã sẽ xen vào, bởi vì sư nghĩ mình đang kiểm soát nó.

 

Pháp hành Trung đạo không phải là dễ dàng theo đuổi khi thực hành. Nếu pháp hành của sư không đúng, thích và ghét hay tham và sân sẽ phát sanh, sư sẽ không còn ở trong sát-na hiện tại, và trong tâm sư sẽ luôn luôn có phiền não. Khi sư ăn, sư phải ăn với trí tuệ — trí tuệ đó nhắc sư ăn là để chữa khổ, cái khổ đó tức là đói, và giữ cho thân thể được sống còn, nhờ đó sư có thể hành đạo để đoạn dứt khổ. Cho dù sư không muốn ăn, sư cũng phải ăn (bởi vì ở đây, vị ấy là một tỳ kheo chỉ ăn trước giờ ngọ).

 

Một phần rất quan trọng của pháp hành minh sát này là yoniso – tác ý chân chánh. Nếu sư có tác ý chân chánh là sư có trí tuệ. Sư đến đây hành thiền chỉ là để đoạn tận khổ. Nếu sư ăn với phiền não, là sư ăn để ở trong vòng luân hồi. Vì vậy, sư phải ăn để đoạn khổ, đi để đoạn khổ, ngồi để đoạn khổ, nằm để đoạn khổ — tất cả đều là để đoạn khổ. Chúng ta đã bị giam giữ trong gọng kìm của phiền não trong một thời gian quá lâu. Phiền não buộc chúng ta phải làm điều này điều nọ. Bất kỳ đối tượng nào nảy sanh đều luôn luôn có phiền não — “chúng ta” thấy, “chúng ta” nghe, “chúng ta” đói… Bởi vậy, cho dù sư đến đây để hành thiền minh sát, sư cũng không thoát khỏi phiền não. Phiền não theo sư đi khắp mọi nơi. Chỉ khi sư có chân chánh tác ý, phiền não mới có thể được ngăn ngừa. Như vậy, phiền não sẽ muội lược khi chúng ta có tác ý chân chánh. Khi phiền não suy yếu, trí tuệ có thể rất mạnh, và tuệ ấy sẽ tiêu diệt phiền não. Do đó, khi làm bất luận điều gì, ngay cả việc thay đổi oai nghi, sư cũng phải biết nguyên nhân chánh đáng là để chữa khổ. Khi sư biết rõ nhân thường xuyên như vậy, cái biết ấy sẽ đưa đến trí tuệ minh sát.

 

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

 

A: – Việc thực hành của sư thế nào rồi?

 

T: – Lần này tôi không cảm thấy vui.

 

A: – Khi chánh niệm — tỉnh giác phát triển tốt hơn, chỉ có một chút phiền não xen vào và điều đó làm cho tâm không vui. Không vui là bằng chứng cho thấy pháp hành minh sát của sư đang tiến triển. Giống như cá trong nước, chúng cảm thấy vui khi sống trong nước, nhưng khi bị bỏ lên bờ, chúng sẽ khổ. Tâm con người cũng tựa như vậy. Khi tâm không có phiền não để che đậy khổ, nó sẽ không vui.

Sư nói rằng việc thực hành của sư khá hơn. Thế còn khổ thì sao? Sư vẫn có khổ chứ?

 

T: – Có, tôi luôn có thọ khổ trong mỗi oai nghi. Nhưng nó cũng không rõ lắm.

 

A: – Sư luôn luôn phải thay đổi oai nghi, nhưng vẫn không thấy khổ, bởi vì sư không thường xuyên quán sát. Mọi người đều biết khổ hiện hữu nhưng không phải lúc nào cũng thấy nó. Đối với các oai nghi phụ, sư có quán chúng không?

 

T: – Có, thỉnh thoảng.

 

A: – Sư phải ghi nhận mỗi khi đưa tay lên, co tay lại và duỗi tay ra. Hoặc mỗi lúc đi tắm rửa, vệ sinh, sư cũng phải biết lý do tại sao sư làm điều này. Dĩ nhiên đây không phải là để chữa khổ trong các oai nghi, mà là để chữa các loại khổ khác — chẳng hạn như đói bụng, đau bụng, …

 

(Vị sư thứ hai)

 

A: – Còn sư thì thế nào? Pháp hành của sư ra sao rồi?

 

T: – Pháp hành của tôi tốt hơn trước.

 

A: – Tốt hơn, ý sư muốn nói gì?

 

T: – Nghĩa là tôi có thể theo dõi Danh-Sắc và nó rõ hơn trước đây.

 

A: – Sư muốn nói là sư ở trong sát-na hiện tại, sư có được nhiều sát-na hiện tại hơn, đúng không? Như vậy sư mới thấy được rằng việc thực hành vipassanā là rất khó. Có khi sư phải mất một thời gian dài, có thể là nhiều ngày để trú trong sát-na hiện tại, cho đến khi tâm giữ được mức trung đạo, không thích — ghét hay tham — sân nữa. Nếu sư hành thiền chỉ, sư phải quán một đối tượng duy nhất trong một thời gian rất lâu. Hơn nữa, đối tượng ấy lại nằm ngoài sư và thuộc về thực tại chế định (không phải Danh-Sắc). Tâm phải có một năng lực tập trung rất mạnh, nhưng hành vipassanā và trú được ở trong sát-na hiện tại mà không có phiền não là điều không phải dễ. Phiền não chi phối chúng ta quá mạnh, đến độ chúng ta chẳng khác gì món dưa cải quá chua vì bị ngâm lâu ngày. Do đó, ngăn phiền não không cho xen vào các cảm giác không phải là chuyện dễ. Sư phải hiểu và có yoniso chân chánh. Tôi muốn sư lưu ý đến lý do sư có được cảm giác này (tức cảm giác trú trong sát-na hiện tại), và làm thế nào sư có thể giữ cho tâm không có phiền não. Nếu sư biết điều này, lúc đó sư mới có thể ngăn được phiền não và trú trong sát-na hiện tại lâu hơn. Cuối cùng, sư sẽ đoạn tận được khổ.

 

Vào thời Đức Phật, Ngài dạy Pháp, chư Tăng lắng nghe, hiểu được lý do Ngài thuyết kinh, và họ có thể hướng tâm mình đúng cách. Khi Đức Phật dứt thời Pháp, các vị cũng giác ngộ — họ hiểu những điều Ngài nói.

 

Hành thiền minh sát rất khó. Thoạt tiên, khi mới giác ngộ, Đức Phật cảm thấy ngại ngùng không muốn thuyết giảng những gì mình biết cho ai cả, bởi vì nó quá khó. Có thể nói là khó hơn bất kỳ một công việc nào khác. Tất cả chúng ta đều nằm trong gọng kềm siết chặt của si mê; mọi chuyện chúng ta làm, tà kiến chấp đó là “chúng ta làm” đã chi phối. Sư si mê đó là tà kiến chấp rằng Danh-Sắc là “Ta” hay “Tự ngã của ta”.

 

Sư đến đây thực hành gần ba tháng, sư hiểu pháp hành rõ hơn. Điều đó có nghĩa là sư đã biết làm thế nào để tu tập tâm đúng pháp. Tuy nhiên, cũng có lúc sư lạc ra khỏi con đường chân chánh ấy.

 

T: – Vâng, đôi khi tâm tôi đi sai hướng.

 

A: – Sư phải thận trọng. Đừng bao giờ để cho tâm sư trở thành trợ duyên cho phiền não và làm suy yếu trí tuệ. Chánh niệm — tỉnh giác của sư không được mạnh lắm. Khi sư quán, chánh niệm — tỉnh giác hoạt động yếu, và khi mà sự tỉnh thức yếu như vậy, định có thể xen vào và làm cho sự tỉnh thức càng yếu thêm. Khi phiền não xen vào, sư có kịp nhận ra nó không?

 

T: – Có.

 

A: – Khi phiền não không có mặt, trí tuệ có thể nhận ra chân lý. Đừng chú ý đến tuệ. Phận sự của sư chỉ là ngăn không cho phiền não xen vào. Tóm lại, sư chỉ có phận sự nghiên cứu để hiểu rõ pháp hành và có yoniso chân chánh để ngăn chặn phiền não. Tuy nhiên, dù cho tuệ có nảy sanh hay không, đó không phải là phận sự của sư. Điều nên nhớ là phải luôn luôn tỉnh thức đối với danh hay sắc nào mà sư đang quán.

 

(Ngày khác. Vị sư thứ nhất)

 

A: – Sư đã thấy Pháp chưa?

 

T: – Có, tôi đã thấy Pháp.

 

A: – Sư thấy Pháp gì?

 

T: – Tôi thấy thọ khổ.

 

A: – Khi phóng tâm khởi lên, sư có biết đó là pháp không?

 

T: – Có, phóng tâm là pháp.

 

A: – Pháp hiện khởi suốt ngày suốt đêm. Nếu sư biết pháp, sư sẽ thấy pháp cả ngày lẫn đêm vậy. Song nếu sư muốn đi tìm pháp, sư không thể nào thấy nó được, bởi vì phiền não — tham muốn thấy pháp — đã che án trí tuệ. Nếu sư không muốn thấy nó, sư có thể sẽ thấy nó. Muốn thấy pháp, sư phải trú trong sát-na hiện tại. Pháp hiện hữu trong từng khoảnh khắc, trong từng hơi thở. Sư nói rằng sư đã thấy khổ thọ. Ý sư muốn nói gì khi cho rằng thọ khổ là pháp?

 

T: – Tôi muốn nói thọ khổ là Danh (nāma) [1].

 

A: – Danh-Sắc mà sư đã thấy đó, có rõ rệt không?

 

T: – Có lúc rất rõ.

 

A: – Sắc rõ hơn hay danh rõ hơn?

 

T: – Danh phóng tâm rõ hơn. Tứ oai nghi (sắc) đôi khi cũng rõ.

 

A: – Sắc nào sư thấy rõ nhất?

 

T: – Sắc ngồi và sắc đi.

 

A: – Sư có quán danh thấy, danh nghe không?

 

T: – Không.

 

A: – Vì sao sư không quán danh nghe? Khi tiếng ồn xảy ra, sư có khó chịu không?

 

T: – Không, nhưng trước đây tôi rất khó chịu.

 

A: – Khi sư nghe, có phải là nghe với paññatti (sự thực chế định) không? Tức là sư nghe âm thanh và liên tưởng tới âm thanh đó?

 

T: – Có khi như vậy.

 

A: – Sư nghe với sự thực chế định, sư có biết nó hay không?

 

T: – Đôi lúc tôi biết câu chuyện (liên tưởng tới âm thanh thay vì danh nghe).

 

A: – Khi paññatti xen vào, sư có biết tại sao nó xen vào không? Bởi vì sư không quản danh nghe. Nếu paññatti có mặt, sư sẽ mất sát-na hiện tại. Paññatti là pháp không có tam tướng. Sư cảm thấy thế nào về pháp hành của mình? Có khá hơn không?

 

T: – Có, pháp hành của tôi đã khá hơn.

 

A: – Sư có còn ưa — ghét không?

 

T: – Có, nhưng thỉnh thoảng thôi.

 

A: – Căn nào sư không thích?

 

T: – Nhĩ căn.

 

A: – Sư không thích tiếng ồn lớn? Sư không thể quán sát nó sao?

 

T: – Tôi có quán nhưng không theo dõi kịp nó. Tôi chỉ biết bằng paññatti (chế định).

 

A: – Thực ra, sư có thể quán với hết khả năng của mình, bao lâu mà chánh niệm tỉnh giác của sư còn có thể duy trì. Sư muốn một đối tượng khác (ngoài danh nghe), bởi thế nên khi có tiếng ồn lớn phát sanh, sư cảm thấy khó chịu.

 

T: – Trong tứ oai nghi, đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn, khi đang nằm, tôi trở người qua bên khác và quên không yoniso. Điều này khiến tôi khó chịu.

 

A: – Sư cảm thấy khó chịu bởi vì sư phải thay đổi oai nghi nằm thường xuyên, do đó thọ khổ mới trở thành duyên cho sân tâm. Nếu sư có tác ý chân chánh, sư sẽ không bị khó chịu.

 

T: – Đôi khi tôi cảm thấy chán nản, không hiểu vì sao.

 

A: – Có hai loại chán nản, một loại do sân và một loại do tuệ (paññā). Sân đưa đến chán nản bởi vì sư thực hành đã lâu mà vẫn chưa thấy sắc không phải là sư. Còn tuệ đưa đến chán nản bởi vì sư thấy Danh-Sắc là không có thực thể — vô thường, khổ, vô ngã. Đôi lúc sư đang quán phóng tâm và sư biết đó là danh phóng tâm, rồi phóng tâm trở lại và sư lập lại “danh phóng tâm” nữa, nó cứ trở đi trở lại như vậy. Cũng giống như cố gắng bảo đứa trẻ phải làm gì nhưng nó không tin ta, phóng tâm cũng vậy. Sư không kiểm soát được nó, và biết được điều này sẽ đem lại trí tuệ.

 

(Sư thứ hai)

 

T: – Mới đầu, khi đến đây thực hành, tôi hiểu được pháp hành và có rất nhiều hy vọngcũng như dự định (cho tương lai), nhưng giờ đây, tôi cảm thấy thất bại.

 

A: – Dự định gì?

 

T: – Tôi nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách dạy thiền minh sát, thuyết giảng cho mọi người biết về pháp hành đúng đắn này v.v…

 

A: – Nghĩ đến việc thuyết giảng và không nghĩ đến nó — cái nào tốt hơn?

 

T: – Không nghĩ là tốt hơn.

 

A: – Cách sư nghĩ như thế là đã không đúng với tinh thần Tứ Niệm Xứ rồi. Tâm sư không ở trong đối tượng thực sự của Niệm Xứ — mặc dù những dự định của sư là thiện. Phóng tâm là phiền não — nó đưa sư ra khỏi sát-na hiện tại. Sư có cảm thấy chán đối với pháp hành minh sát này không?

 

T: – Tuần rồi tôi cảm thấy mất hết hy vọng. Nhưng giờ đây tôi không cảm thấy gì hết. Và đôi lúc tôi cảm thấy thất vọng.

 

A: – Sư thất vọng về điều gì?

 

T: – Tôi thất vọng về việc thực hành của mình. Vipassanā quá khó.

 

A: – Sư cảm thấy thất vọng, bởi vì sư không hiểu rõ pháp hành. Nhưng điều đó không nằm ngoài khả năng của sư. Đó là lý do vì sao Đức Phật phải trau dồi các pháp ba-la-mật (pāramī) trong nhiều kiếp sống. Pháp hành quả thực rất khó, bởi thế nó mới được xem là đặc biệt. Cho dù sư không đạt đến giác ngộ trong kiếp này, sư cũng sẽ tạo duyên (những trợ duyên làm phát sanh trí tuệ) cho kiếp kế. Ngay cả một vấn đề thuộc lĩnh vực thế học, được xem là dễ hơn vipassanā, sư cũng phải nghiên cứu suốt nhiều năm. Cho nên, sư phải tiếp tục thực hành. Dù không đạt được những gì sư mong muốn, sư cũng sẽ trau dồi được ba-la-mật. Đó là phận sự (dhura) của sư — một vị tỳ kheo — phận sự hành thiền minh sát. Đức Phật đã bỏ hết mọi thứ để có Trí tuệ giác ngộ (Bodhi-ñāṇa), và khi giác ngộ rồi, Ngài dạy lại cho chúng ta. Ngài phải khó khăn lắm mới đạt đến sự giác ngộ. Còn chúng ta không đến nỗi vất vả như vậy bởi vì Ngài đã dạy hết những gì cần thiết cho chúng ta rồi. Chúng ta chỉ việc đi theo pháp hành của Ngài. Khi sư thực hành, sư sẽ có được những lợi ích của Giới – Định – Tuệ. Khi sư ở đây, sư bị phóng tâm. Song điều đó không mất mát gì, vì khi ở nhà sư cũng vậy. Nhưng nếu ở nhà, sư sẽ không có Giới – Định – Tuệ trong Bát Chánh Đạo mà sư đạt được do thực hành, dù chỉ là chút ít. Sư có thể thấy Pháp hay không, điều đó không quan trọng — hãy xem việc thực hành là để kiến tạo ba-la-mật cho bản thân sư là đủ. Sư nói việc thực hành minh sát quá khó. Đúng thế. Cái khó sẽ làm cho sư phải có sự nhiệt tâm hơn nữa.

 

Đức Phật nói rằng, muốn cho hành giả hiểu đúng pháp hành, cần phải có một vị Thầy thông hiểu pháp hành, đã thấy thực tánh pháp (sabhāva dhamma) và dạy đúng cách. Đồng thời người hành thiền cũng phải có khả năng tiếp thu những gì vị thầy dạy nữa. Việc thực hành giúp sư hiểu được những lời Đức Phật dạy và biết thực tánh pháp thấu đáo hơn.

 

(Ngày khác. Vị sư người Hoa)

 

A: – Pháp hành của sư ra sao rồi?

T: – Tôi đang cố gắng đưa tâm mình vào Trung Đạo.

A: – Sư làm điều đó như thế nào?

T: – Khi tâm sân hay không thích khởi lên, tôi cố gắng thấy địa đại.

A: – Sư thấy địa đại? Sư thấy bằng cách nào và thấy để làm gì?

T: – Tôi chỉ cần nghĩ “địa đại, địa đại, …” và sân biến mất.

A: – Nếu sư suy nghĩ, sư sẽ mất sát-na hiện tại. Chẳng hạn, khi cái nghe nảy sanh, chánh niệm — tỉnh giác quán đó là danh đang nghe, nhờ vậy, ưa — ghét không thể xảy ra. Do đó, tâm sư tự động ở trong Trung Đạo. Sư không cần phải làm một điều gì khác cả.

T: – Có lúc tôi cảm thấy tâm mình rất trong sáng, nhưng tại sao tôi không biết gì cả — tôi chỉ thấy một bộ xương.

A: – Sư cảm giác như thế nào về hiện tượng này?

T: – Tôi kinh ngạc không biết tại sao bộ xương lại giống như thế này, và sau một lát, tâm biến thành một chiếc quan tài. Rồi một xác chết thối rữa. Sau đó tôi ngửi thấy mùi hôi và ói mửa.

A: – Sư có biết cách sư hành như vậy là không đúng không?

T: – Tôi không biết tại sao tôi bị như vậy.

A: – Sư ói bao lâu?

T: – Khoảng nửa buổi. Sau bữa ăn trưa cho đến 6 giờ chiều.

A: – Suốt thời gian ấy, sư vẫn ngửi thấy mùi hôi à?

T: – Vâng.

A: – Cái sư thấy có phải là thực hay không? Đó là ấn chứng (nimitta). Năng lực định làm cho sư thấy hiện tượng này. Nimitta là Dhamma (Pháp). Nó phát sanh do định thái quá. Hiện tượng này khiến cho sư có thể có những lầm lẫn trong tâm. Nó sẽ đưa sư ra khỏi thực tại. Khi sư dứt ói, sư có thấy rằng hiện tượng đó là không đúng không?

T: – Tôi biết điều này là vô ích.

A: – Sư đã hành thiền minh sát trong nhiều ngày. Sư không nên để cho tâm mình rơi vào những trường hợp này nữa. Sư làm cách nào khiến cho xác chết (nimitta) ấy biến đi?

T: – Nó tự biến. Nó kéo dài một lúc rồi tự mất đi.

A: – Định có năng lực mạnh hơn tâm, nó có thể đưa sư ra khỏi pháp hành minh sát.

T: – Vâng, đúng vậy. Tôi không muốn có định.

A: – Khi hành thiền định, dù sư có nhiệt tâm cách mấy, sư cũng rất khó đắc định. Nhưng nếu sư hành thiền minh sát, định sẽ lẻn vào và làm cho sư mất tuệ minh sát. Sư có muốn thấy nimitta đó lại không?

T: – Không, mùi nó hôi lắm. Tuy nhiên tôi cũng không biết tại sao mình lại thấy nó. Tâm tôi rất trong sáng mà.

A: – Tâm sư rất trong sáng, đó là định. Định làm cho sư cảm thấy thỏa mãn, làm cho sư cảm thấy lạc. Đó là điên đảo tưởng (vipallāsa). Nếu tâm trong sáng và không có phiền não, tham và sân không thể hiện khởi.

 

(Vị sư thứ nhất và thứ hai)

 

A: – Sư có một số khách đến thăm thường xuyên quá. Trong thời gian này, sư không nên để cho nhiều người đến thăm sư như vậy, bởi vì sự viếng thăm của họ sẽ làm suy yếu lục căn thu thúc giới (indriyasamvarasīla) của sư. Nếu lục căn thu thúc giới không hoàn mãn, định không thể phát sanh; và không có định, dĩ nhiên tuệ không thể sanh. Tất cả ba yếu tố này phải khởi sanh cùng nhau trong sát-na hiện tại. Nếu có khách, dù sư không muốn nói, sư cũng phải nói.

Cách thực hành là sư phải quán Danh-Sắc nào khởi lên vào lúc đó. Nếu Danh-Sắc không khởi, tà kiến cho rằng đó là “Ta” vẫn còn, và sư không thể tách tà kiến cho đó là “Ta” ra khỏi.

Thương và ghét khởi lên và diệt. Nhưng sư không biết cái gì thương, cái gì ghét cả. Thương là danh hợp với tham; ghét là danh phối hợp với sân. Nếu sư không biết, sư sẽ nghĩ là “sư thương”, “sư ghét”, thế là sư không thể tách “sư” ra khỏi cái thương ghét ấy được. Vì vậy, khi sư thực hành, sư phải luôn luôn thấy mọi thứ chỉ là danh hoặc sắc; và sư cũng phải biết đó là danh gì, sắc gì, chẳng hạn như sắc ngồi, danh nghe, … Sư nói rằng sư đã thấy khổ, điều đó đúng. Nhưng tà kiến nghĩ rằng “Sư” cảm thấy khổ vẫn hiện hữu. Sư biết tại sao không? Bởi vì sư không yoniso (tác ý chân chánh). Sư phải thấy rằng sắc ngồi khổ, chứ không phải sư. Sư không quán sắc đúng, bởi vì sư đã quên đi điều quan trọng này (yoniso).

Cảm nhận và suy nghĩ khác nhau. Sư đã biết điều này. Do vậy, đừng lầm lẫn chúng.

Điều quan trọng là sư phải biết rõ lý do. Sư phải làm điều này với tác ý chân chánh. Chẳng hạn, trong kinh Anuruddha (Anuruddha-sutta), Ngài A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) lý do tại sao, mặc dù vị ấy có thiên nhãn có thể thấy được tất cả vũ trụ, có nhiệt tâm tinh tấn, có chánh niệm vững chắc, nhưng vẫn không thể doạn trừ được các lậu hoặc. Ngài Xá-lợi-phất giải thích rằng, cách thấy tất cả vũ trụ của Anuruddha ấy là mạn (maṇa) và mạn này là đối tượng của phiền não, do vậy phiền não có thể xen vào. Cách nghĩ rằng ta nhiệt tâm tinh tấn và chánh niệm vững chắc, là trạo cử (uddhacca). Và cách vị ấy quan tâm đến việc chưa đoạn trừ được các lậu hoặc như vậy là hối quá (kukkucca). Vì thế, Ngài Xá-lợi-phất mới bảo vị ấy cần phải loại bỏ những cảm giác này.

Phiền não vi tế như vậy đấy. Sư phải có yoniso-manasikāra (tác ý chân chánh) mới có thể thấy được. Vì thế, phận sự của sư là thực hành liên tục. Dù sư có thành công hay không, điều ấy không quan trọng. Sư đến đây thực hành là để tiêu diệt những gì che án sự thực (chân lý). Ngay như Ngài Anuruddha với thắng trí như vậy mà vẫn còn phiền não nữa huống chi chúng ta. Ngày nay chúng ta được may mắn hơn, bởi vì không phải hành thiền định trước hoặc phải đạt đến các thắng trí trước khi hành minh sát. Chúng ta có thể lấy tham, sân, si làm đối tượng để hành vipassanā (cittanupassanā: – niệm tâm). Nếu sư phải hành thiền định trước, ắt hẳn rất khó, bởi vì sư phải hành qua hai giai đoạn (chứng thiền trước, rồi mới chuyển sang vipassanā), như vậy phải tốn nhiều thời gian. Bây giờ sư có thể hành chỉ một giai đoạn thôi mà vẫn loại trừ được phiền não.

 

(Vị sư người Hoa)

 

A: – Sư có hiểu sự khác nhau giữa đối tượng thiền định và thiền minh sát không? Chúng khác hay giống?

T: – Khác. Các đối tượng không giống nhau.

A: – Tại sao chúng không giống nhau? Sư nghĩ đối tượng của thiền minh sát và đối tượng của thiền định khác nhau như thế nào?

T: – Thiền định làm cho tâm vắng lặng.

A: – Điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là những đối tượng mà sư quán, chúng giống hay khác, vậy thôi?

T: – Tôi không quán như vậy.

A: – Sư không quán như thế à? Thế sư làm như thế nào? Chỉ và quán không giống nhau. Thiền minh sát phải lấy Danh-Sắc làm đối tượng. Nó không giống như sư niệm “Buddho” (Phật) hay “Arahant” (A-la-hán) liên tục đâu.

T: – Tôi hiểu rồi. Hành vipassanā không niệm thầm mãi như thế.

A: – Nếu sư niệm như vậy, sư sẽ không có cơ hội thấy được thực tánh, bởi vì niệm ấy không lấy Danh-Sắc làm đối tượng. Thiền minh sát phải lấy một điều gì đó thực sự hiện hữu làm đối tượng, để thấy thực tánh của nó.

T: – Khi tôi quán sắc ngồi, sắc nằm, tâm cứ phóng đi rồi trở lại rất nhanh. Nó không chịu trú trên sắc ngồi hay sắc nằm ấy.

A: – Khi điều đó xảy ra, sư có cảm nhận được đó là pháp hành sai không?

T: – Có.

A: – Sư nghĩ pháp hành sai bởi vì sư không muốn tâm sư phóng tới phóng lui à?

T: – Vâng. Khi tôi quán, tâm cứ đi lối này, lối nọ. Tôi cố gắng kéo nó trở lại với sắc ngồi, sắc nằm, nhưng nó vẫn không ở yên. Nó đi đi về về rất nhanh.

A: – Tại sao sư phải kéo nó lại?

T: – Nếu tôi không kéo lại, nó sẽ phóng đi rất lâu.

A: – Sư muốn trở thành người kiểm soát để kéo tâm lại, không cho nó đi tới đi lui sao? Cách sư cố giữ tâm không cho nó phóng đi như vậy là sai, và pháp hành của sư cũng sai nốt. Sư phải biết phóng tâm là một sự thực, đó là thực tánh pháp. Bởi vì tâm luôn luôn phóng tới phóng lui rất lẹ. Sư muốn ở yên một chỗ, nhưng nó không nằm trong quyền kiểm soát của sư. Đây là thực tánh của tâm. Không người nào có thể kiểm soát được tâm cả. Nó không nằm trong quyền hạn của bất cứ ai, bởi vì nó vô ngã.

Phóng tâm là pháp, thế nhưng sư lại không thích pháp. Sư đến đây để thực hành nhưng khi pháp hiện khởi, sư lại không thích nó. Sư đã thấy pháp nhưng sư không thích pháp. Sư chỉ việc quán cái tâm ấy phóng đi phóng về là đủ. Đừng cố gắng kiểm soát nó hay muốn nó ở yên một chỗ, chỉ việc quán nó. Tuy nhiên, sư phải biết rằng phóng tâm là danh. Nếu sư không biết rằng đó là danh phóng tâm, sư sẽ ghét nó.

Mọi người đều cần phải có lục căn thu thúc giới (indriya-samvara-sīla). Cũng như trồng một cái cây, sư phải dọn sạch cỏ, nếu không, cỏ mọc sẽ không cho cây con phát triển. Giới thu thúc lục căn cũng như làm đất trước khi trồng vậy, nó sẽ giúp sư thực hành tốt hơn. Nói chuyện khiến cho sư không thu thúc lục căn được. Khi thực hành minh sát, nếu sư nói chuyện, nó sẽ đưa sư ra khỏi sát-na hiện tại.

 

(Một ngày khác. Nữ cư sĩ.)

 

A: – Cô đã hành được gần một tháng rồi. Pháp hành của cô tiến triển ra sao? Mấy ngày nữa thì cô về?

T: – Vài hôm nữa, khoảng cuối tháng, thưa thiền sư.

A: – Như vậy là cô không thể ở lại lâu hơn được nữa sao?

T: – Thưa không, con phải trở về nhà.

A: – Nếu thế thì cô không thể ở lại được rồi. Kể từ buổi nói chuyện vừa rồi, pháp hành của cô ra sao?

T: – Hôm qua, con thấy mọi thứ đều là khổ.

A: – Cô đã thấy cái khổ gì?

T: – Khi con quán sắc nằm, sắc đó trông giống như một người chết vậy. Con rất sợ. Vì thế, con đi ra ngoài một lát rồi vào ngồi lại. Con thấy mọi thứ là khổ. Ngay cả nháy mắt, nuốt nước miếng, con cũng cảm thấy khổ. Thế là con lại đi ra ngoài nữa. Giờ thì con đã hiểu pháp hành, vì thế con muốn đi đến một nơi khác để hành tiếp. Con không muốn nương nhờ ai dạy nữa. Con nghĩ mình thật may mắn biết bao khi gặp được Achaan [2], vì nhờ Achaan mà con đã thấy Pháp. Nghĩ vậy nên con khóc.

A: – Còn hôm nay thì sao? Cô có thấy khổ như hôm qua không?

T: – Hôm nay thì bình thường. Khổ đó đã biến mất rồi.

A: – Cô có biết tại sao khổ ấy biến mất không?

T: – Hồi chiều, con có khách đến thăm, chúng con nói chuyện với nhau về khổ mà con đã thấy và về pháp hành này.

A: – Điều này dẫn đến phóng tâm. Phóng tâm khiến cho cô không quán được Danh-Sắc nữa. Cô đã buông mất vipassanā. Hôm nay cô cảm thấy bình thường bởi vì cô thiếu sự tỉnh thức. Khổ mà cô thấy đã mất dấu. Điều này là do cô thiếu sự tỉnh thứcvà không có Danh-Sắc làm đối tượng. Cô biết như thế là hành sai không?

T: – Thưa, có.

 

(Vị sư thứ nhất)

 

A: – Sư nói rằng pháp hành của sư đã khá hơn, khá hơn như thế nào?

T: – Tôi không bị phóng tâm nhiều nữa, và có thể theo dõi sát-na hiện tại.

A: – Sát-na hiện tại là gì?

T: – Danh phóng là sát-na hiện tại. Còn “câu chuyện” phóng tâm ấy là thực tại chế định (paññatti).

A: – Nếu sư biết “câu chuyện” — câu chuyện phóng tâm đó — sư sẽ mất sát-na hiện tại. Nếu sư phóng tâm thường xuyên, sát-na hiện tại sẽ không liên tục, sư không thể quán Danh-Sắc khi nó hiện khởi. Vì thế, sư nên cố gắng để có được sát-na hiện tại nhiều hơn nữa. Song, cũng đừng nên sợ mất sát-na hiện tại. Cũng giống như việc đi qua một con suối trên một cây tre, nếu sư cảm thấy sợ, sư có thể mất thăng bằng và rơi xuống.

Phần đông mọi người, từ khi sanh ra đến giờ, chưa từng thấy sát-na hiện tại. Bởi vì tâm họ luôn luôn tìm phiền não làm đối tượng. Tâm thấy mọi thứ thông qua tự ngã. Khi thực hành, sư phải ngăn chặn phiền não thì mới có thể thấy được sát-na hiện tại.

 

(Sư thứ hai)

 

A: – Khi sư thực hành tiến bộ hơn, sư có cảm thấy “thích” không? Khi sư hành không tiến, sư có cảm thấy “không thích” không? Cảm giác như vậy là sai. Sư nói pháp hành của sư đã tiến bộ hơn, nó tiến bộ như thế rồi?

T: – Tôi có thể theo dõi sát-na hiện tại dễ hơn trước.

A: – Sư phải biết lý do tại sao có ngày sư lại theo dõi sát-na hiện tại được, và tại sao có ngày không. Sư phải tìm ra nguyên nhân của nó. Nếu không, việc thực hành của sư sẽ phải mất một thời gian rất lâu. Nếu sư biết được nguyên nhân, cho dù sư buông khỏi sát-na hiện tại, sư cũng sẽ trở lại dễ dàng. Sư phải cố gắng ghi nhớ điều này. Sư cũng nên quán các oai nghi phụ nữa.

 

Có bảy nhóm oai nghi phụ là:

 

  1. Bước lui.
    2. Xoay đầu sang trái hoặc phải.
    3. Co tay, duỗi tay.
    4. Mặc y vai trái (cīvara), y tăng-già-lê (sanghati)và mang bát.
    5. Ăn, uống, nhai, liếm (các ngón tay).
    6. Đi đại và tiểu tiện.
    7. Đi, đứng, nằm, ngồi (để làm các công việc), ngủ, thức, nói,…

 

Oai nghi phụ có nhiều hơn oai nghi chính, do đó biết được nhân sanh của chúng khó hơn là thấy bốn oai nghi chính. Khi sư thực hành lâu ngày, đủ để hiểu rõ bốn oai nghi chính rồi, lúc đó mới nên thêm vào các oai nghi phụ.

Dhamma (Pháp) không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải tự ngã — nó là sự thực (chân lý). Tất cả mọi thứ hiện khởi đều là Dhamma. Chẳng hạn, ngồi, đứng, phóng tâm, buồn ngủ, nghe, sân hận, thoải mái, đau nhức, mong muốn, tham lam, v.v… Những gì thuộc về danh hay sắc đều là pháp cả — và mọi thứ đều là danh và sắc. Mọi thứ khởi lên đều có thể dẫn đến trí tuệ thực hành. Nếu sư không hiểu điều này, tâm sư sẽ đi tìm pháp nào khác ở bên ngoài sư. Pháp không phải tìm ở nơi nào khác, pháp ở ngay trong chính bản thân sư. Sư phải quán Danh-Sắc nào hiện khởi vào lúc đó, dù sư đang đi đại, tiểu tiện hay tắm rửa,… Tất cả những cái đó đều là pháp. Và pháp đó là để chữa khổ.

Nếu sư không ở trong sát-na hiện tại, phiền não sẽ xen vào.

Không có pháp nào nằm trong quyền kiểm soát của bất cứ ai, bởi nó là vô ngã (anatta). Do đó, sư phải có tác ý chân chánh thì sư mới thấy được pháp. Ngay như phóng tâm, nếu sư biết nó là danh phóng tâm — sư sẽ thấy phóng tâm nằm ngoài sự kiểm soát của sư. Phóng tâm là vô thường, phóng tâm là khổ đế (dukkhasacca), phóng tâm là Thánh đế (Ariyasacca). 

 

–ooOoo–

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ THIỀN SƯ ACHAAN NAEB MAHĀNIRANONDA

 

Achaan Naeb

 

Achaan Naeb Mahānaranonda sinh ngày 31 tháng Giêng năm 1897 (PL 2440). Cha bà là Phya Suttayanugun, lúc ấy làm tỉnh trưởng tỉnh Kanchanaburi. Mẹ bà là Khunying Plag. Năm 1931 (PL 2474), lúc ấy bà được 34 tuổi, một kinh nghiệm xảy ra làm thay đổi cuộc đời của bà. Khi đang nhìn vào một vật, bỗng nhiên bà trực nhận bản chất thực (sabhāva: thực tánh) của cái thấy.

 

Trong khoảnh khắc hiện tại, bà nhận chân rằng cái thấy đó không phải là bà thấy — hoàn toàn vô ngã. Sự kiện này làm cho bà tin chắc rằng con đường duy nhất để loại trừ phiền não (kilesa) và đoạn tận khổ đau là sống trong sát-na hiện tại (present moment).

 

Vào lúc sự chứng nghiệm này xảy ra, bà chưa hề học pháp (giáo lý nhà Phật), cũng chưa có kinh nghiệm gì về Thiền Minh Sát(vipassanā). Sau đó bà mới tầm thầy học Đạo. Bà gặp một vị sư người Miến, Pháp danh Pathunta U Vilasa, ngụ ở chùa Prog tại Bangkok — Thái Lan. Vị này đã dạy cho bà một đề tài thiền quán (vipassanā kammathaṇa), và từ đó bà bắt đầu thực hành miên mật. Sau bốn tháng thì bà thành công.

 

Achaan Naeb

 

Kể từ ngày ấy bà để tâm nghiên cứu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về bộ môn triết học Phật Giáo này. Bà là người đầu tiên đem giáo lý Vi Diệu Pháp dạy ở Thái Lan. Trong bốn mươi năm, bà đã dạy pháp hành thiền minh sát ở nhiều trung tâm, kể cả tại Boonkanjanaram [*], ở tỉnh nhà của bà.

 

Thiền sư Achaan Naeb mất ngày 6 tháng Chạp năm 1983 ở tuổi 86. Thi hài bà được hỏa táng theo nghi lễ truyền thống tại chùa Mongkut — Bangkok, Thái lan.

[*] “Boonkanjanaram” là tu viện (arama) xây dựng trên thửa đất do ông “Boon” Charoenchai và bà Kanjana hiến tặng năm 1963, khoảng 5 km phía nam thành phố Pataya, tỉnh Chonburi. [Bình Anson chú thích]

 

[1] Trong Tứ Niệm Xứ, Thọ (vedanā) nằm trong Danh pháp niệm xứ. Tuy nhiên, trong pháp hành, chúng ta thấy khổ ở sắc để chứng minh rằng bốn oai nghi đều che án khổ .

[2] Achaan (Ajahn): Thầy. Ở đây chỉ thiền sư Achaan Naeb.

 

***   ***   ***

 

Sources:

Tài liệu tham khảo:

  1. https://tienvnguyen.net/images/file/Ek9kQjfF1wgQANp7/minhsattutap.pdf
  2. https://www.vipassanadhura.com/PDF/vipassanabhavana.pdf
  3. https://www.budsas.org/uni/u-gtmst/gtmst-11.htm
  4. https://theravada.vn/minh-sat-tu-tap-ii-phu-luc-tham-van-thien-sinh-ii/